Người uống trà ắt hẳn ai cũng thuộc mấy câu thơ “thoát tục” của cụ Ức Trai về trà:

“Cởi tục chè thường pha nước tuyết

Tìm thanh trong vắt tịn chè mai”

hay

“Thắp hương trước án, bên mai luỹ

Quét tuyết đun trà, trước trúc tiên”

Hoặc đôi khi có ước mơ rằng:

“Bao giờ lều cỏ núi mây

Pha trà nước suối, gối say đá mềm”….

Chè Tươi

Trà, vốn được kẻ sĩ, kẻ si (yêu trà) vinh danh là thứ nước của thiền môn, của sự thanh tao, cao khiết, và đôi khi thoát đời. Người ta yêu trà, mến trà, ca ngợi phẩm trà với những danh trà như: Ô long, shan tuyết, hay Long Tỉnh, Bào Nha, Thiết Quan Âm bên Tàu… nhưng thực ra, trà vốn là thứ rất ĐỜI! Và trên chặng đường phiêu lưu, khám phá những danh trà, kỳ trà,… ai ai cũng phải nhập môn bằng một thứ nước trà rất bình dân, giản dị và thân quen:

Bát Nước Chè Tươi!

“Trà có nguồn gốc ở phương Nam”. Ngay chính trà thánh Lục Vũ cũng thừa nhận và mở đầu trong cuốn “trà kinh”. Lẽ dĩ nhiên, có nguồn gốc phương Nam không hẳn là chỉ ở Việt Nam như nhiều người vẫn lầm tưởng (phương Nam bao gồm toàn bộ vùng Lĩnh Nam bao gồm Việt Nam và 1 phần Trung Quốc như Vân Nam, Phúc Kiến….) tuy nhiên có thể khẳng định, Việt Nam ta chính là một trong những “cái nôi” của trà.

Tất nhiên, chính vì vậy mà người Việt từ cổ chí kim đều lưu giữ lại cách uống trà rất đơn giản: uống trà tươi.

Dọc từ Bắc tới Nam, cây trà đã di thực theo bước tiến của người Việt mở cõi. Thậm chí, đồng bằng trù phú đất Phú Hội (Đồng Nai) còn từng là một “vùng chè” có tiếng ở miền Nam. Tất nhiên, ngoài những loại trà khô tại các vùng nguyên liệu có tiếng như Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang hay Nghệ An, Bảo Lộc,… dân gian ta nhà nhà ai cũng có 1 cây trà trước nhà. Không trà thì vối, không vối thì một loại cây nào đó có thể phơi khô và sắc uống như trà.

Lại nói về chè, đất phương Nam tươi tốt, nên cây chè cũng tốt tươi, xum xuê cành, xanh um lá. Đấy là nguyên liệu chính chế biến món nước chè thần thánh. Đầu tiên, người ta hái những lá trà về. Khác với sản xuất trà khô, ưu tiên búp nõn, lá trà tươi khi lấy về thường là loại lá trà bánh tẻ, không quá già mà cũng không quá non. Sau khi về, rửa sạch với nước và vò qua cho bớt chất chát (tanin) giúp lá dễ ngấm nước hơn. Tiếp đó, đun một nồi nước lên cho tới khi sôi thì thêm lát gừng vào. Sau đó chờ nước sôi già, ta bỏ lá trà tươi vào. Đảo đều và tắt bếp. Thế là được một nồi chè tươi nghi ngút khói thơm ngon khó cưỡng.

Nhấp thử một ngụm trà xem thế nào! Đầu tiên, khói tỏa mơ màng, đủ khiến ta tỉnh táo. Mùi gừng ấm áp và cay cay, xen lẫn mùi trà tươi hăng nhẹ, thơm mát, thế mà quyện nhau đến lạ. Nhấm một ngụm, rồi ngụm nữa. Cái chất chát xít khiến cổ họng ứa ra bao nhiêu là nước. Hơi nóng khiến ta bịn rịn mồ hôi. Vừa uống, vừa nhâm nhi kẹo lạc, bắn thêm bi thuốc lào, phải nói là phê hết cả người. Gió ngoài đồng thổi vào mát rười rượi, tiếng sáo diều vi vu vi vút…. Tiên cảnh tưởng cũng chỉ thế mà thôi!

Ấy đấy, giữa Sài Gòn phố thị bon chen, tôi vẫn thường tưởng tưởng ra cái cảnh Tục mà rất Tiên ấy. Nhớ xưa mỗi lần vào chùa, các sư cụ thường hãm nước trà xanh trong cái ấm Tích Lô Hồ đựng giữa một cái bồ đan bằng tre và vải để giữ nhiệt. Nhấp một ngụm trà, nghe tiếng gõ mõ thi thoảng đệm tiếng chuông boong boong, thêm mùi hương hoa hồng, hoa nhãn, hoa hòe ngoài vườn ướp đầy cả không khí, tự nhiên thấy như ở cõi mơ!

Nhớ quá đi thôi!

Sài Gòn ngày 11/07/2023

Sâu Trà Nam Hoa Ninh Xuân Quỳnh